Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông kết nối đã phần nào thúc đẩy bất động sản vùng ven TP HCM phát triển nhanh. Minh chứng cho sự phát triển này đó chính là giá đất khu vực các quận lân cận trung tâm các tỉnh vùng ven liên tục được đẩy lên cao.
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nối với 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cùng với hệ thống đường song hành của cao tốc TP.HCM - Long Thành, hay việc TP.HCM sẽ xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đặc biệt là Dự án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai trong năm 2017 sôi động, khởi sắc mạnh thời gian qua.
Theo giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Đồng Nai đã sẵn sàng cho việc hưởng lợi từ kết nối vùng với TP.HCM. Hiện nay, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở, cung cấp gần 30.200 sản phẩm ra thị trường, trong đó thị trường thứ cấp chiếm hơn 90%, tương đương 27.600 sản phẩm. Đây được xem là con số khả quan trong năm 2018.
Còn riêng Bình Dương, với lợi thế sát TP HCM, thị trường BĐS tại đây đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thậm chí, thị trường bất động sản trung tâm của tỉnh Bình Dương (thành phố mới Bình Dương) cũng bắt đầu có sự hồi sinh khi lượng tồn kho giảm mạnh, số lượng giao dịch tăng cao.
Thị trường bất động sản Long An cũng được cho là được hưởng lợi từ chính sách giãn dân của TP.HCM, nhất là các huyện giáp ranh TP.HCM gồm Đức Hòa,Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức. Trong đó, Đức Hòa và Cần Giuộc là hai huyện hưởng lợi lớn nhất. Chính vì thế tại đây được nhiều doanh nghiệp địa ốc lựa chọn để triển khai dự án bất động sản.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Long An sẽ hưởng lợi lớn từ chính sách giãn dân của TP.HCM, bởi tỉnh này hiện có quỹ đất rộng, giao thông kết nối giữa hai địa phương hoàn chỉnh và tỉnh đang có chính sách kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển dự án bất động sản.